Chợ tình Khâu Vai Hà Giang ( 27/3 âm lịch )
Chợ tình Khâu Vai là một phiên chợ tình, chợ phong lưu nổi tiếng ở Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 180 km, ở cuối con đường đèo. Mỗi năm một lần, vào ngày 27/3 âm lịch, trai bản trên, gái bản dưới lại gặp gỡ, giao lưu với nhau.
Truyền thuyết chợ tình Khâu Vai
Sự tích chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.
Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út, phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.
Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3- ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái.
Khâu Vai là phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên toàn thế giới. Từ chiều 26/3 âm lịch từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi từ sớm hơn.
Khách du lịch chen lẫn với các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… như chảy về xã Khâu Vai. Mặc núi đá tai mèo, mặc núi cao suối sâu và những đoạn đường cua tay áo đầy nguy hiểm, họ náo nức, họ phấp phỏng… vì đêm nay sẽ là một đêm tình yêu lãng mạn thăng hoa, mỗi năm chỉ có một lần.
Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu… như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất. Khi ông mặt trời khuất sau mỏm núi phía Tây, sương giăng mù trời, những đống lửa lớn được đốt lên, những can rượu lớn được mang ra là lúc đêm tình Khâu Vai bắt đầu:
“Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng…”
Có tiếng cô gái đáp lại:
“Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi
Sương đã phủ trắng
Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh…”
Những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương đã được những đôi trai gái trong đêm chợ thổi vào tình yêu chân thật như chính cuộc sống của họ. Cụ Lầu Pà Khiu nay đã 90 tuổi, ở xã Khâu Vai, cho biết:
“Ban đầu nơi đây là chỗ hẹn của những người có tình yêu dang dở, vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau. Khâu Vai còn là đêm chợ truyền thống của dân tộc Mông. Chợ tình xưa kia còn được gọi là chợ Phong Lưu, có nghĩa là sự phong tình. Hai chữ chợ tình mới phổ biến từ những năm 1990, khi có khách du lịch đến tham quan. Phiên chợ tình Khâu Vai có rất nhiều ý nghĩa nên được đồng bào nhiều dân tộc hưởng ứng. Từ vài chục năm nay Khâu Vai đã trở thành phiên chợ tìm kiếm tình duyên cho tất cả mọi người…”
Chợ tình Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần, nhưng phiên chợ Khâu Vai thì họp năm ngày một phiên để phục vụ nhu cầu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chợ tình họp từ chập tối đến sáng ngày hôm sau là tan, từ sáng đến trưa lại họp bình thường như các chợ miền núi khác.
Sáng sớm ngày 27 là lúc chợ tình có nhiều ý nghĩa nhất. Rượu đã hết, chợ đã tan, giờ chia tay đã đến. Ở ven đường, men theo các sườn núi, các vách đá… từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay nhau. Họ trao nhau ánh mắt nhìn đắm đuối và hẹn hò sang năm lại gặp nhau, tại chính nơi này.
Bạn có thể tham khảo thêm tour trọn gói Tour Hà Giang – Chợ Tình Khau vai 3 ngày 2 đêm
Xuân Lang
Tổng hợp